Thursday, July 12, 2012

AFF Suzuki Cup 2012: Hẹn hò với người Thái

Bốn năm trước, Việt Nam cũng rơi vào bảng đấu có Thái Lan và vòng đấu bảng cũng diễn ra trên đất Thái. Đấy là kỳ AFF Cup lịch sử khi lần đầu tiên, chúng ta trở thành nhà vô địch Đông Nam Á với 2 lần gặp lại Thái Lan trong trận chung kết. Phải chăng, lịch sử đang được lặp lại.
Người hâm mộ hy vọng lịch sử sẽ lặp lại ở AFF Cup 2012 khi Việt Nam nằm chung bảng với Thái Lan. Ảnh: Dũng Phương
Thoạt tiên, tình hình của bảng A trao cho Thái Lan và Việt Nam cơ hội để vào bán kết như 4 năm trước khi đây không phải là bảng nặng nếu so với bảng B. Tuy nhiên, thật khó dự đoán tình hình sẽ phức tạp đến đâu trong 4 tháng tới chúng ta gặp một Philippines rất khó đoán đội hình và đội đầu bảng vòng sơ loại có thể là Myanmar vốn vừa chơi tốt ở giải U22 đồng thời cũng vừa có một kỳ SEA Games 26 khá thành công. Tóm lại, nếu ai gọi bảng A là nhẹ thì có lẽ, đấy chỉ là suy nghĩ nhanh trong thời điểm hiện nay. Thực sự, đây mới là bảng đấu đúng nghĩa “tử thần”.
“Tử thần” ở đây hiểu theo nghĩa về sự cân bằng trình độ chứ không dựa trên danh tiếng. Với cái kiểu nhập tịch cầu thủ của Philippines thì đố ai biết, cuối năm nay họ đưa đội hình nào ra sân, trong khi các trụ cột làm nên “cuộc cách mạng” của 2 năm trước vẫn còn quá trẻ để tiếp tục ra sân. Tại SEA Games 26 vừa qua, vì một số rào cản về quốc tịch mà Philippines chưa thể tối ưu hóa sức mạnh của mình nhưng rõ ràng, mục tiêu “Tây hóa” đội tuyển là chiến lược phát triển của họ.
Kế đến, chúng ta nói về Myanmar và sự thành công của bóng đá trẻ vài năm gần đây. Việc họ chơi tốt ở các lứa tuổi U đã được thể hiện rõ tuy nhiên, cũng cần lưu ý: đây là một giai đoạn vô cùng đặc biệt đối với nền bóng đá nước này khi các vấn đề về chính trị đang thông thoáng hơn. Không phải tự nhiên mà Myanmar giành quyền đăng cai một loại giải đấu mà quan trọng nhất là SEA Games 27 vào cuối năm sau. Họ đang trong một thời khắc chuyển mình quan trọng và chắc chắn, môn thể thao có tính quảng bá cao như bóng đá sẽ được đầu tư mạnh mẽ.
***
Vấn đề lớn hơn để khiến bảng đấu này không còn đơn giản đó là sự chững lại của cả Thái Lan và Việt Nam. Chúng ta đã gặp lại người Thái sau 4 năm và đôi bên cùng thay đổi quá nhiều. Như một “đôi bạn cùng… lùi”, dù vẫn còn danh tiếng nhưng trên thực tế, sự nể trọng đã không còn trong mắt các đối thủ khác.
Nói như vậy để thấy, cuộc tái ngộ này chẳng mang ý nghĩa gì lớn lao nếu như cả 2 đều phải đau đầu lo việc đối đầu với 2 đội bóng còn lại chứ chẳng còn thời gian để xem nhau như là đối thủ số 1 như ngày nào. Vì thế, trận đấu cuối cùng của vòng bảng có thể là tranh chấp ngôi đầu hoặc cũng có thể chỉ còn mang ý nghĩa đối với 1 đội mà thôi.
Nhưng dù sao, việc tái ngộ với người Thái ngay trên đất Thái cũng khiến người hâm mộ Việt Nam phải nghĩ ngợi. Mới 4 năm thôi mà tư thế giờ đã khác. Bốn năm trước, từ trạng thái lo lắng để rồi càng chơi càng hay và vô địch thuyết phục. Bốn tháng nữa, có thể là một chu trình đi ngược lại khi đến nay, quá trình chuẩn bị của chúng ta thật sự để lại nhiều lo lắng.
***
Vì thế, ở góc độ của người hâm mộ, chúng tôi lại cho rằng chúng ta nên nhìn nhận đây là một bảng đấu khó. Nghĩa là nên tự kiểm soát lại niềm tin của mình thì hơn. Bóng đá Đông Nam Á đã thay đổi nhiều. Những cách tân về lối chơi cũng như tư duy phát triển bóng đá đang thuộc về Maylaysia, Philippines hay Myanmar. Những “cựu trào” như Thái Lan và Việt Nam có vẻ như đang giậm chân tại chỗ khi cả về con người và những thay đổi mang tính thời đại đã không hề có chuyển biến.
Hãy xem, 4 năm qua, Việt Nam vẫn chỉ là những con người đó, kế hoạch đó và cả khi ông Phan Thanh Hùng lên nắm quyền huấn luyện, cũng chẳng ai dám chắc ông sẽ thay đổi cách đá của 4 năm trước. Có nhiều thứ quá cũ ở bóng đá Việt Nam, kể cả những cuộc “hò hẹn” với người Thái.
Hồ Việt
Theo SGGP

No comments:

Post a Comment