Saturday, July 7, 2012

Những bí mật sau kế hoạch cổ phiếu của M.U

Manchester United, câu lạc bộ bóng đá đông cổ động viên nhất hành tinh, tuần trước đã tuyên bố từ bỏ kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) ở thị trường Singapore và đang chuyển sang thị trường Mỹ, trong một động thái khiến hàng triệu người hâm mộ đội bóng này không khỏi nghi ngờ và lo lắng.


Malcolm Glazer muốn niêm yết ở New York để thu được tiền mà vẫn nắm chặt quyền sở hữu M.U
 
Nếu M.U khởi động chiến dịch IPO của họ ở New York trong năm nay, đó có thể được coi là một chiến thắng với thị trường vốn Mỹ, nhưng chưa chắc đã là điều tốt cho đội chủ sân Old Trafford. Trước hết, Mỹ chắc chắn không phải là thiên đường cho môn thể thao vua. Cuộc thăm dò mới nhất của hãng Harris Interactive cho thấy chỉ có 1% người Mỹ lựa chọn bóng đá là môn thể thao yêu thích nhất với họ. Điều thứ hai, quan trọng hơn, gia đình Glazer, hiện đang sở hữu đội bóng bầu dục Tampa Bay Buccaneers ở Mỹ, đã quá rành rẽ thị trường này và sẽ tận dụng tất cả hiểu biết cũng như mối quan hệ ở đây để tiếp tục công cuộc rút ruột đội bóng áo đỏ mà vẫn tiếp tục củng cố quyền lực của họ.
Thị trường chứng khoán New York cho phép các công ty niêm yết phân loại cổ phần thành nhiều bậc, với việc những người sáng lập và chủ sở hữu tuy bán cổ phần nhưng vẫn nắm được quyền kiểm soát. Điều này đi ngược lại với quyền dân chủ về tư bản, khi lẽ ra một cổ phần phải tương đương với một phiếu. Cơ chế này chính là thứ đã giúp Mark Zuckerberg nắm giữ những cổ phần với quyền biểu quyết lớn gấp 10 lần so với cổ đông đại chúng tại Facebook. Cấu trúc tương tự giúp Rupert Murdoch, gia đình Sulzberger sở hữu tờ báo New York Times, gia đình Ford và hàng chục nhà tài phiệt khác vẫn nắm quyền sở hữu công ty lớn hơn nhiều so với số vốn mà họ có thông qua cổ phần hóa. Gia đình Glazer có lẽ cũng muốn làm điều tương tự với M.U.
Do việc thay đổi địa điểm IPO từ Singapore sang New York, M.U dự kiến cũng sẽ thay đổi ngân hàng đứng ra làm bảo lãnh phát hành. Những hãng danh tiếng Credit Suisse, JPMorgan Chase & Co và Morgan Stanley, nằm trong danh sách được chọn lựa ở châu Á, giờ sẽ nhường chỗ cho Jefferies Group Inc.
Một cuộc thăm dò mới nhất do Forbes thực hiện đánh giá M.U là đội thể thao được định giá cao nhất toàn cầu, bất chấp việc họ vừa để mất danh hiệu vô địch Premier League vào tay kình địch cùng thành phố Manchester City. Với 19 chiếc cúp quốc gia và hai cúp Champions League trong phòng truyền thống, không giống như nhiều câu lạc bộ Anh khác, M.U thực sự là một đội bóng mang về lợi nhuận. Một nghiên cứu do câu lạc bộ tiến hành cũng cho thấy lượng cổ động viên của họ trên toàn cầu đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2007-2012 và hiện đạt mức 659 triệu người.
Nhờ thành công trên sân cỏ và sức hút thương mại khó cưỡng nỗi, M.U đã ký được hợp đồng tài trợ với General Motors, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới của Mỹ, mới tháng trước và có rất nhiều đối tác thương mại ở hơn 70 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Châu Á cũng là nơi mà M.U có nhiều người hâm mộ nhất. Tuy nhiên, tin tức về việc thay đổi địa điểm IPO là một nỗi thất vọng lớn với thị trường mới nổi này, nơi giá trị các giao dịch cổ phiếu đã giảm mạnh trong năm nay.
Quyết định của M.U đặc biệt là tin xấu với Singapore, sau khi công ty chuyên tổ chức các sự kiện đua xe Công thức 1, Formula One, cũng đã hoãn lại kế hoạch IPO trị giá dự kiến 3 tỉ USD vào tháng 6 trên thị trường này. Điều ấy đương nhiên dẫn đến cái nhìn nghi kỵ của các nhà đầu tư và ngân hàng châu Á về triển vọng IPO của M.U ở thị trường Mỹ. “Thật can đảm khi M.U tìm cách niêm yết trên thị trường Mỹ, chúc họ may mắn”, một ngân hàng đầu tư ở châu Á nói.
Dễ hiểu là gia đình Glazer, khi niêm yết ở Mỹ, chỉ bán các cổ phần loại B với quyền biểu quyết giới hạn, hoặc không hề có quyền biểu quyết, đảm bảo cho họ vẫn duy trì sự kiểm soát 95-100% với câu lạc bộ. Đó cũng là lý do tại sao mục tiêu huy động được điều chỉnh từ 1 tỉ USD ở Singapore xuống chỉ còn 500 triệu tại Mỹ. Đổi lại, niêm yết ở Mỹ khiến cho mục tiêu đặt cổ phiếu vào tay những cổ động viên bóng đá trung thành giờ tan thành mây khói. Singapore lẽ ra là địa điểm lý tưởng cho mục tiêu đó, khi từ đó cổ phiếu M.U có thể lan đi dễ dàng khắp châu Á.
Nhà Glazer cũng dự định sẽ dùng cuộc IPO này để trả bớt khoản nợ 423,3 triệu bảng (663,8 triệu USD) của câu lạc bộ, mà một phần lớn là nợ riêng của họ được chuyển sang M.U. Lợi nhuận trước thuế của đội chủ sân Old Trafford đã giảm gần một nửa xuống còn 15,6 triệu bảng trong 9 tháng tài khóa kết thúc vào ngày 31/3, so với cùng kỳ năm 2011. M.U cũng phải chi ra 42,7 triệu bảng để trả riêng tiền lãi trong năm tài khóa vừa rồi, theo sổ sách kế toán ở câu lạc bộ.
Andy Green, một nhà phân tích bóng đá độc lập và là người hâm mộ M.U, nói việc chuyển IPO sang Mỹ là một hành động “tuyệt vọng” của nhà Glazer. “Ban đầu là Hong Kong, rồi Singapore và giờ là New York”, Green phân tích. “Gia đình Glazer đã tưởng rằng họ có thể bán được giá cao ở châu Á, nhưng rồi không thể. Tôi không chắc rằng họ có thể thành công ở Mỹ, nơi không hề có truyền thống với môn thể thao này”.
M.U trị giá bao nhiêu?
Theo đánh giá của Forbes, Manchester United hiện là đội bóng giá trị nhất thế giới. Trong năm 2011, giá trị của đội bóng áo đỏ là 2,24 tỉ USD, một kỷ lục kể từ khi Forbes bắt đầu đánh giá vào năm 2004 và tăng hơn 20% so với năm trước. Với giá trị như thế, M.U duy trì một khoảng cách khá lớn với các đội xếp thứ hai, như đội bóng chày Mỹ New York Yankees hay đội bóng bầu dục Dallas Cowboys cũng của Mỹ. Trong mùa giải 2010-2011, M.U kiếm được 192 triệu USD từ tiền bản quyền truyền hình, cao hơn 22% so với mùa trước. Riêng thu nhập từ Champions League năm 2011, khi họ thua Barcelona ở trận chung kết, là 80 triệu USD. Đội bóng đá thứ hai trong danh sách, Real Madrid, được định giá 1,88 tỉ USD, kém M.U 360 triệu bảng. Năm 2010, nhà Glazer từng định giá hơn 2 tỉ bảng khi họ có ý định rao bán M.U, nhưng một nhóm cổ động viên trung thành và giàu có do Jim O’Neill, kinh tế gia trưởng của ngân hàng Goldman Sachs, đứng đầu, đã tìm cách mua lại đội bóng với giá chỉ 1 tỉ bảng.

Trần Trọng

Theo TT&VH

No comments:

Post a Comment